Khi thiết kế nhà ở, cho dù là nhà tầng hay biệt thự thì việc bố trí hệ thống ánh sáng sao cho hợp lý vô cùng quan trọng. Chúng vừa sử dụng để thay thế ánh sáng trong buổi tối vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ, vẻ đẹp cho tổng thể công trình. Nhiều loại đèn còn có giá trị trang trí, làm đẹp cho mỗi không gian trong căn nhà.
Vào buổi tối hệ thống đèn sẽ chiếu sáng mọi không gian trong nhà và bên ngoài. Mức độ chiếu sáng trong căn nhà giúp mang đến một năng lượng tích cực. Nguyên tắc bố trí đèn điện đó là tránh việc hình thành những khu vực u ám. Do đó thay vì sử dụng nguồn điện trung tâm đơn nhất thì nên kết hợp nhiều nguồn điện với nhau. Ngoài việc bài trí bố cục hệ thống đèn chiếu sáng sao cho hợp lý thì còn cân nhắc đến yếu tố về phong thủy để tăng cường sinh khí cho toàn bộ ngôi nhà.
Vai trò của hệ thống đèn chiếu sáng
Trong thiết kế kiến trúc, nội thất, ánh sáng được chia làm 2 loại. Bao gồm: Ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo
- Ánh sáng tự nhiên: Là nguồn sáng từ bên ngoài cung cấp (ánh sáng mặt trời).
- Ánh sáng nhân tạo: Là nguồn sáng được con người tạo ra như: đèn chiếu sáng, các vật dụng trang trí có thể tự phát sáng hoặc sử dụng điện.
Để đạt hiệu quả tối ưu, cố gắng sử dụng nguồn ánh sáng có thể điều chỉnh được góc độ. Dựa vào màu sắc không gian của ngôi nhà để lựa chọn bóng đèn có nhiều mức điều chỉnh ánh sáng phù hợp.
Cách bố trí đèn điện hợp lý
Để có được một ngôi nhà hoàn hảo thì cần có rất nhiều yếu tố quyết định. Một trong số đó phải kể đến yếu tố chiếu sáng trong ngôi nhà. Ánh sáng nhân tạo từ đèn điện. Nếu được bố trí một cách hợp lý sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp cho không gian bên trong nhà. Tạo cho những người sinh sống bên trong một cảm giác thoải mãi, dễ chịu, làm cho ngôi nhà trở nên ấm cúng. Do đó bài viết này chia sẻ cho bạn đọc một số kiến thức đơn giản và dễ hiểu trong bố trí ánh sáng. Cụ thể là cách bố trí đèn điện trong ngôi nhà.
Đặc điểm của từng loại đèn chiếu sáng
Ngày nay có 3 loại đèn chiếu sáng được sử dụng trong các ngôi nhà:
- Đèn sợi đốt
- Đèn huỳnh quang
- Đèn LED
Đèn sợi đốt (đèn thường và đèn halogen)
Cho ánh sáng ấm, làm màu sắc của các đồ vật hiện lên rất chân thật. Nhưng toả nhiều nhiệt và tuổi thọ thấp, tốn nhiều điện và hiệu năng chiếu sáng không cao. Do đó đèn sợi đốt ngày nay ít được sử dụng trong chiếu sáng gia đình, chỉ trừ một số vị trí đặc biệt cần sử dụng đèn sợi đốt.
Đèn huỳnh quang
Có 3 loại với các chiều dài ống khác nhau 30cm, 60cm, 1m2. Ưu điểm của đèn này là phát ra ánh sáng mát,toả ít nhiệt, tuổi thọ cao (từ 8000 – 10000 giờ). Loại thu nhỏ của đèn này gọi là đèn compac được sử dụng rất rộng rãi bởi tính tiết kiệm điện, hiệu năng chiếu sáng cao.
Đèn LED
Loại đèn này ngày nay đang thể hiện được những ưu điểm vượt trội hơn hẳn 2 loại kể trên. Bởi tuổi thọ rất cao (40,000 -60,000 giờ), nhiệt toả ra hầu như không có. Hiệu năng chiếu sáng lớn, vô cùng tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường và không có bất cứ tác động gây hại nào đến cơ thể con người. Vì lí do đó nên đèn LED ngày nay được sử dụng để thay thể cho đèn huỳnh quang và sợi đốt ở bất kì vị trí nào.
Cách tính lượng ánh sáng
Lượng ánh sáng được tính bằng một đại lượng có đơn vị là Lm (lumen). Theo các nhà thiết kế để đảm bảo công năng và tính thẩm mỹ cho căn nhà thì lượng ánh sáng để đảm bảo độ sáng cho mỗi phòng là khác nhau. Cụ thể có những con số đưa ra như sau:
- Sân: 100 Lm /m2
- Phòng khách: 400 Lm /m2
- Phòng học: 700 Lm /m2
- Phòng ngủ: 100 Lm /m2
- Bếp: 600 Lm /m2
- Phòng tắm: 400 Lm /m2
Độ sáng từ các loại đèn
- Đèn sợi đốt và halogen khoảng 20-25 Lm /watt
- Đèn huỳnh quang ngắn: 60 lm/watt, đèn huỳnh quang dài: 80 lm/watt
- Các loại đèn LED có độ sáng 50-110 lum/watt
Tính số lượng đèn cần bố trí tối thiểu
Ví dụ: Với một phòng khách 4×4 m thì diện tích phòng là 16 m2; độ sáng là: 16 x 400 = 6.400 lumen.
- Số bóng đèn huỳnh quang (40W x 80 Lm): 6.400 Lm / (40W x 80 Lm) = 2 bóng
- Còn nếu dùng bóng đèn sợi đốt (60W x 20 Lm) số bóng sẽ là: 6.400 Lm / (60W x 20 Lm) = 5 bóng
- Nếu dùng đèn halogen downlight MR 16 (loại chén): 6.400 Lm/ ( 50W x 11 Lm) = 12 bóng
Đây là cách tính cơ bản trên lý thuyết, còn ngoài thực tế còn phải căn cứ vào góc chiếu cũng như hình dạng của đèn để điều chỉnh cho hợp lý.
Kinh nghiệm bố trí hệ thống đèn chung
Ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu, ánh sáng trắng hay vàng đều khiến mắt phải điều tiết gây tác động đến thị giác, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác và tâm trạng của con người. Do đó mỗi không gian chung hay riêng thì cần có những thiết kế về bố trí đèn khác nhau để đáp ứng được công năng của căn phòng và nhu cầu sử dụng của gia chủ. Có những kinh nghiệm chung trong việc điều tiết ánh sáng như thế này:
- Để phòng sáng như ban ngày thì ánh sáng phải phân bố đều, mạnh, đặc biệt là chiếu đều mạnh lên các vách tường.
- Để làm căn phòng nhìn rộng hơn, ta cần tập trung ánh sáng chiếu đều lên các vách.
- Để có cảm giác thư giãn, phải bố trí ánh sáng không đều trong phòng, có nơi mạnh, nơi yếu.
- Để sử dụng riêng tư, thân mật, thì chiếu sáng không đều. Tại nơi người sử dụng thì ánh sáng yếu và sáng dần khi ra xa.